Những giọt nước mắt bắt đầu tuôn rơi. Trước sân vận động kín chỗ tại Frankfurt và số lượng đông đảo khán giả truyền hình trên toàn cầu, Cristiano Ronaldo, VĐV được cho là nổi tiếng nhất hành tinh đang khóc nức nở.
Nhưng trận đấu vẫn phải tiếp tục. Một tấm vé vào tứ kết EURO 2024 vẫn cần phải giành lấy.
Đội trưởng của Bồ Đào Nha tiếp tục trải qua một buổi tối đầy thất vọng. Ronaldo vẫn đang tìm kiếm bàn thắng đầu tiên của mình tại giải đấu. Để rồi sau khi được trao cơ hội để phá vỡ sự kháng cự của Slovenia, anh phải chứng kiến quả phạt đền của mình bị thủ thành Jan Oblak xuất sắc cản phá. Sự căng thẳng và đau khổ đang tích tụ trong anh vì thế không ngừng tuôn trào.
Ronaldo đã từng bỏ lỡ những quả phạt đền trước đây, đôi khi cả trong những hoàn cảnh phải chịu áp lực. Anh cũng từng khóc trên sân, với những giọt nước mắt buồn bã có, vui sướng cũng có. Nhưng lần này thì khác vì trận đấu chưa kết thúc. Ở tuổi 39, thi đấu trong giải vô địch châu Âu mà anh thừa nhận là cuối cùng, anh khóc không phải vì đội tuyển sẽ thất bại, mà dường như anh đã cảm thấy sự suy yếu của chính mình. Đó là những giọt nước mắt của một thần tượng màn ảnh nhận ra mình đang đối diện với cảnh quay cuối cùng.
Đó là lần đầu tiên Ronaldo trông mỏng manh, khiếm khuyết và cũng rất… con người. Khi các cầu thủ Bồ Đào Nha tạo thành một vòng tròn trong giờ nghỉ giữa hai hiệp phụ, họ nhìn lên và thấy một người đàn ông suy sụp. Từng người một, họ cố gắng động viên anh. Những đồng đội cũ ở Manchester United, Bruno Fernandes và Diogo Dalot đã ôm lấy Ronaldo như để nhắc anh nhớ rằng anh là ai. Tiền vệ của Fulham, Joao Palhinha và hậu vệ của Manchester City, Ruben Dias cũng làm điều tương tự.
Điều đáng chú ý là HLV của Bồ Đào Nha, Roberto Martinez vẫn giữ anh trên sân trong hoàn cảnh như vậy. Số phận của Ronaldo trông như đã được định đoạt. Anh hiếm khi chạm bóng trong thời gian còn lại của hiệp phụ. Còn Slovenia – lần đầu tiên trong buổi tối – bắt đầu giống một đội có thể giành chiến thắng.
Trận đấu phải phân định bằng loạt sút luân lưu. Điều gì sẽ xảy ra nếu Ronaldo lại bỏ lỡ?
Ronaldo không bỏ lỡ. Lần này, anh sút về phía bên phải của Oblak và trông rất nhẹ nhõm khi mành lưới rung lên. Điều đó đòi hỏi sự can đảm, nhưng không hề có sự khoe khoang trong phản ứng của anh. Anh cũng không thể hiện màn ăn mừng đặc trưng của mình. Thay vào đó, Ronaldo chắp tay xin lỗi các CĐV Bồ Đào Nha.
Chỉ trong vòng 3 phút, các cầu thủ và CĐV Bồ Đào Nha đã ăn mừng chiến thắng. Thủ môn của họ, Diogo Costa trở thành người hùng sau khi cản phá 3 quả phạt đền của Slovenia, trong khi Ronaldo, Bruno Fernandes và Bernardo Silva thực hiện thành công lượt đá của mình. Đó là màn trình diễn phi thường của Costa, người trước đó đã có một pha cứu thua mười mươi để từ chối bàn thắng của Benjamin Sesko cuối hiệp phụ. Trong cơn xúc động, Ronaldo ôm chầm lấy anh để nói lời cảm ơn.
“Có nỗi buồn ban đầu và niềm vui sau cùng,” cầu thủ từng giành 5 Quả bóng Vàng chia sẻ với đài RTP của Bồ Đào Nha sau đó. “Đó là điều bóng đá mang lại: Những khoảnh khắc không thể lý giải từ phút thứ 8 đến phút 80. Đó là điều đã xảy ra hôm nay. Tôi đã có cơ hội để đưa đội tuyển dẫn trước, nhưng tôi đã không làm được.”
Ronaldo nhắc đến kỷ lục đá phạt đền của mình mùa này. “Tôi chưa hề thất bại dù chỉ một lần”, anh nói. Nhưng trong thâm tâm, anh hiểu rằng không chỉ kỹ năng sút phạt đền của anh đang bị soi xét kỹ lưỡng tại EURO 2024. Không tính loạt sút luân lưu, anh vẫn chưa ghi bàn trong 4 lần ra sân tại giải đấu này. Trừ quả phạt đền vào lưới Ghana trong trận mở màn của Bồ Đào Nha ở World Cup 2022, anh hiện đã có 8 lần ra sân mà không ghi bàn ở một giải đấu lớn.
Ronaldo đã ghi 50 bàn sau 51 lần ra sân trên mọi đấu trường cho Al Nassr mùa trước. Anh cũng ghi 10 bàn trong 9 trận vòng loại EURO 2024, nhưng một nửa trong số đó là vào lưới Luxembourg và Liechtenstein. Anh là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử bóng đá nam cấp độ ĐTQG, với kỷ lục khó tin 130 bàn sau 211 trận – nhưng các đội bóng xếp hạng cao nhất mà anh chọc thủng lưới trong ba năm qua chỉ là Thụy Sĩ (hạng 19), Qatar (hạng 35), Slovakia (hạng 45) và Ireland (hạng 60).
Tuy nhiên, anh dứt điểm rất nhiều. Ronaldo có tổng cộng 20 pha dứt điểm tại giải đấu này, nhiều hơn ít nhất 7 lần so với bất kỳ cầu thủ nào khác. Biết bao pha tấn công triển vọng và các pha đá phạt ở vị trí nguy hiểm đã bị bỏ lỡ. Trong trận gặp Slovenia, có một tình huống đá phạt mà ngay cả trong một sân vận động đầy ắp người hâm mộ Ronaldo cuồng nhiệt, có lẽ anh là người duy nhất nghĩ rằng mình sẽ ghi bàn. Tất nhiên rồi, cú sút của anh đi rất xa so với khung thành.
Rồi có những pha dứt điểm mà CR7 không thể thực hiện vì dù thể hình của anh vẫn có vẻ đáng gờm, khả năng tăng tốc, tốc độ và sức mạnh của anh đã không còn như trước. Có một tình huống trong hiệp 1 khi Bernardo Silva di chuyển vào trong từ cánh phải và thực hiện một quả tạt tuyệt đẹp về phía cột xa. Ronaldo nhảy lên nhưng không thể chạm bóng.
Đó không phải lần đầu tiên tại giải đấu này, người ta nghĩ rằng Ronaldo sẽ không bỏ lỡ một cơ hội như vậy ở thời kỳ đỉnh cao phong độ. Nhưng thời hoàng kim của anh đã đi qua từ lâu, thậm chí lâu hơn những gì anh có thể tưởng tượng. Ronaldo giành Quả bóng Vàng gần nhất vào năm 2017 và ngay cả vào thời điểm đó, ở tuổi 32, anh đã trở thành một cầu thủ tiết kiệm sức hơn nhiều so với sức mạnh không thể cản phá của mình trong những năm giữa và cuối độ tuổi 20.
Một số người sẽ cho rằng đây là một giải đấu quá xa vời đối với anh, nhưng điều tương tự cũng đã được nói tại World Cup ở Qatar 18 tháng trước, nơi anh không tạo được nhiều ảnh hưởng và cuối cùng mất vị trí vào tay Goncalo Ramos. Có cảm giác như hai giải đấu lớn vừa qua có phần có phần quá sức với anh. Hoặc đó là hai giải đấu mà Ronaldo có thể được sử dụng tốt hơn: Anh có thể vào sân từ băng ghế dự bị để thay thế cho Ramos hoặc Diogo Jota, thay vì trở thành tâm điểm của sự chú ý và buộc mọi thứ phải xoay quanh.
Trong khu vực phỏng vấn sau trận, khá ngạc nhiên khi nghe Ronaldo mô tả đây là giải vô địch châu Âu cuối cùng của anh. “Nhưng tôi không cảm thấy xúc động về điều đó,” anh nói. “Tôi bị xúc động bởi tất cả những gì bóng đá mang lại – bởi niềm đam mê tôi dành cho trận đấu, khi thấy những người hâm mộ, gia đình tôi cũng như sự yêu mến mà mọi người dành cho tôi.
“Đó không phải là việc rời xa thế giới bóng đá. Làm gì còn gì cho tôi làm hoặc để giành chiến thắng nữa đâu? Làm cho mọi người hạnh phúc là điều thúc đẩy tôi nhất.”
Không còn gì cho anh làm hoặc để giành chiến thắng ư? Điều đó nghe không giống Ronaldo, đặc biệt là sau những gì chúng ta đã chứng kiến tối hôm đó. Ronaldo đã đúng, tất nhiên – di sản và vị trí của anh trong số những huyền thoại của môn thể thao này đã được đảm bảo từ lâu. Nhưng phản ứng của Ronaldo trước quả phạt đền bị cản phá không phải của một người cảm thấy miễn nhiễm với áp lực phải chứng tỏ bản thân hết lần này đến lần khác.
“Ronaldo là một tấm gương cho chúng tôi,” Martinez nói sau đó. “Những cảm xúc đó (sau khi bỏ lỡ quả penalty) thật đáng kinh ngạc. Cậu ấy không cần phải quan tâm nhiều đến vậy với sự nghiệp cậu ấy đã có và tất cả những gì cậu ấy đã đạt được. Sau khi đá hỏng quả phạt đền, cậu ấy là người sút đầu tiên (trong loạt sút luân lưu). Tôi chắc chắn rằng cậu ấy phải là người đầu tiên chỉ cho chúng tôi con đường đến chiến thắng. Cách cậu ấy phản ứng là một ví dụ và chúng tôi rất tự hào.”
Đó là những lời lẽ đẹp đẽ. Nhưng Martinez sẽ có một quyết định lớn cần được đưa ra trước trận tứ kết giữa Bồ Đào Nha với Pháp tại Hamburg vào rạng sáng thứ Bảy.
Đã nhiều lần trong những năm qua, Ronaldo là cầu thủ kéo cả đội thoát khỏi bờ vực thẳm. Nhưng vào đêm thứ Hai, anh giống như đã bị đánh bại không chỉ bởi pha cản phá của Oblak mà còn bởi đối thủ mà mọi VĐV đều phải đối mặt sau cùng: Thời gian.
Theo New York Times