Trước sự linh hoạt trong chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyển Hà Lan phải chật vật để giành chiến thắng kịch tính tại vòng tứ kết Euro 2024 trong một ngày bóng bổng lên ngôi.
Hà Lan bước vào trận đấu cuối cùng thuộc vòng tứ kết Euro 2024 với tâm thế là đội cửa trên khi gặp Thổ Nhĩ Kỳ. Đội tuyển với biệt danh “Cơn lốc màu da cam” thể hiện phong độ thất thường tại vòng bảng, nhưng kịp thời tìm lại hình ảnh của một “ông lớn” với lối chơi nhịp nhàng khi đánh bại Romania 3-0 tại vòng 1/8. Trong buổi phỏng vấn trước trận tứ kết, hậu vệ Denzel Dumfries chia sẻ rằng Hà Lan đã rút ra được nhiều bài học sau trận thua 3-2 trước Áo: “Toàn đội đã có nhiều cuộc trò chuyện trong tuần trước. Tôi nghĩ Hà Lan đang tiến bộ, cả trong khâu pressing lẫn kiểm soát bóng”.
Phía bên kia chiến tuyến, HLV Vincenzo Montella cho biết ông hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ đi tới vòng tứ kết tại Euro 2024, đồng thời nhấn mạnh yếu tố linh hoạt trong chiến thuật: “Tôi không tin vào cách bố trí sơ đồ, nhưng tôi tin vào chiến thuật. Chúng tôi cố gắng thay đổi theo từng trận tùy vào đối thủ”.
Với phong cách riêng biệt, Montella đã biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một đội tuyển khó nắm bắt bởi luôn có sự “thiên biến vạn hóa” qua từng trận. Đặc biệt, trận đấu gặp Áo trong vòng 1/8 là minh chứng cho sự khó chịu đến từ chú ngựa ô của giải. Lối chơi kỷ luật với gegenpressing là nòng cốt của Ralf Rangnick, thứ vũ khí đã làm khổ cả Ba Lan, Hà Lan và Pháp tại vòng bảng, bất ngờ tỏ ra vô dụng trước lối đá trực diện từ thầy trò Vincenzo Montella.
Cũng trong hiệp 2 trận đấu trên, chiến lược gia 50 tuổi đã có quyết định tương đối rủi ro khi đưa sơ đồ thi đấu về 3 trung vệ, với Arda Guler chơi lùi sâu kiến thiết trong vai trò của một số 9 ảo. Sau cùng, Guler đã tỏa sáng rực rỡ với 1 kiến tạo, trong khi trung vệ Merih Demiral lập cú đúp, sở hữu 17 pha cản phá và trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất trận.
Bước vào trận đấu với Hà Lan, HLV Montella tiếp tục giữ nguyên công thức thành công khi sử dụng sơ đồ 3-4-3 với Guler nắm giữ vị trí số 9 ảo. Trong 45 phút đầu tiên, ngôi sao trẻ của Real Madrid thi đấu xông xáo, có mặt trong mọi pha lên bóng của đội nhà. Tiền vệ mang số 8 thường xuyên drop deep về ngay trước hàng thủ như trận gặp Áo để hỗ trợ triển khai tấn công, đồng thời mở ra không gian cho Baris Yilmaz ở tuyến trên.
Từ một tình huống phạt góc, Guler tiếp tục tỏa sáng khi có đường tạt bóng thuận lời bằng chân phải giúp trung vệ Samet Akaydin đánh đầu mở tỉ số trận đấu. Phạt góc chính là thứ vũ khí đáng sợ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ khi họ đã có tổng cộng 3 bàn thắng tính từ đầu giải, bao gồm cả pha lập công của Akaydin.
Với lối đá phòng ngự phản công, Baris Yilmaz cùng Arda Guler là 2 quân bài chủ chốt trong hệ thống của HLV Montella. Đặc biệt, Yilmaz là người thường xuyên nhận các đường phất từ tuyến dưới rồi dùng tốc độ gây náo loạn hành lang cánh phải của Hà Lan. Cả trận, tiền đạo mang áo số 19 thực hiện tổng cộng 103 lần gây áp lực, nhiều nhất trong số cả hai đội.
Về phía Hà Lan, sau khoảng 5 phút đầu trận khởi sắc với các cơ hội của Memphis Depay và Cody Gakpo, “Cơn lốc màu da cam” dần trở nên bế tắc trước khối bê tông dày đặc nơi tuyến giữa của Thổ Nhĩ Kỳ. Khác với trận gặp Romania, Tijjani Reijnders gặp khó khi triển khai các pha kéo bóng sở trường khi luôn chịu sự áp sát quyết liệt từ các cầu thủ giàu thể chất phía đối thủ. Ngoài ra, hướng tấn công chủ đạo thường thấy là biên phải với sự xuất hiện của Denzel Dumfries đặc biệt gặp khó khi hậu vệ của Inter Milan phải đối đầu với một Ferdi Kadioglu bền bỉ trong cả tấn công lẫn phòng ngự.
Nhận thấy việc thiếu hụt một điểm nhận bóng từ tuyến trên, HLV Ronald Koeman quyết định tung sớm Wout Weghorst vào đầu hiệp 2, và đây có thể xem là bước ngoặt của trận đấu. Gặp khó khi triển khai bóng ở tuyến giữa, Hà Lan chủ trương chuyền bóng sau 2 cánh để Gakpo và Dumfries có thể thực hiện các đường tạt vào trong cho “cây sào” Weghorst. Với sự xuất hiện của trung phong số 9, Depay thay thế vị trí của Steven Bergwijn, thi đấu như một số 10 thứ hai bên cạnh Xavi Simons.