Cụm từ “phối hợp 2 người” đã xuất hiện từ lâu trong giới huấn luyện bóng đá và bất kỳ ai từng trải qua những bài tập huấn luyện xoay quanh chủ đề đó đều sẽ biết rằng Lionel Messi là một đối tác quá hoàn hảo cho chuyện này.
Cả hai bàn thắng của ĐTQG Argentina trong chiến thắng mà họ giành được ở trận mở màn chiến dịch Copa America 2024, trước đối thủ Canada, đều được tạo nên từ các tình huống phối hợp giữa Messi và một đồng đội – họ di chuyển chọn vị trí, anh chuyền bóng kiến tạo cơ hội – đồng thời cũng là một lời nhắc nhở tuyệt vời về một công thức chiến thắng vừa đơn giản vừa đáng sợ: Những màn kết hợp giữa một đường chuyền chéo sân và một pha chạy thẳng, hoặc một đường chuyền thẳng và một pha chạy chéo sân.
Argentina rất giỏi trong việc thực hiện các tình huống phối hợp theo cặp, một thứ “vũ khí” có thể biến môn thể thao 11 người này thành một trò chơi 2 người thông qua những cách thức tuy chẳng có gì phức tạp nhưng lại cực kỳ hiệu quả trong việc đánh lừa các đối thủ.
Dan Wright, HLV kiêm nhà quản lý lộ trình của học viện đào tạo cầu thủ trẻ của Brighton, từng tổ chức một buổi dạy học tuyệt vời trong một chương trình thực tế của The Coaches’ Voice về chủ đề này, chỉ ra cho các cầu thủ học viện những phương pháp mà họ có thể sử dụng để giành chiến thắng trong các tình huống 2 chọi 2 – và chỉ có duy nhất 1 cách thức trong số đó là liên quan đến việc rê bóng qua một đối thủ.
Chúng bao gồm 2 kiểu phối hợp di chuyển – chuyền chọc mà chúng ta đã đề cập ở trên, những pha underlap (di chuyển chồng biên phía ngoài) và overlap (di chuyển chồng biên phía trong), và một công thức phối hợp đã giúp Messi có 2 pha ghi bàn trong trận giao hữu với Guatemala, màn khởi động cuối cùng của Argentina trước khi bước vào Copa America 2024: Đập nhả 1-2 để xuyên phá hàng thủ đối phương.
“Mở khoá” hệ thống phòng ngự của đối thủ bằng những mảng miếng phối hợp tấn công tinh quái và mưu mẹo, đây chính là một nét đặc trưng đã ăn sâu vào nền văn hoá bóng đá Argentina, nơi mà sự kết hợp giữa kỹ năng, trí khôn và khả năng “tưởng tượng” phong phú trên mặt trận tấn công đã tạo nên một ĐTQG cực đáng sợ, cực khó ngăn cản. Chỉ cần đi sai một bước thôi, bạn sẽ bị họ trừng phạt. Giống như họ đã làm với Canada vậy.
***
Có thể nói, quá trình dẫn tới bàn thắng thứ hai của Argentina vào lưới Canada hoàn toàn “lạc quẻ” với cái cách mà trận đấu tại Atlanta đã diễn ra.
Trong phần lớn thời gian của trận đấu, Canada đã triển khai một khối phòng ngự tầm trung rất kỷ luật và chặt chẽ, ban đầu là với 4-4-2 cự ly hẹp rồi tới 4-3-3, qua đó đẩy trách nhiệm dâng cao đội hình để thi triển thế công sang cho Argentina. Tuy nhiên, khi thời gian không còn nhiều và Argentina đá như thể cố tình khiêu khích họ với việc chuyền bóng về cho thủ môn Emiliano Martinez sau một đợt tổ chức tấn công đã tới tận khu vực 1/3 cuối sân đối thủ, Canada đã thay đổi chiến thuật và pressing tầm cao quyết liệt. Khi làm vậy, họ đã rơi vào cái bẫy của Argentina.
Cristian Romero đã thực hiện một đường chuyền bổng ngang sân trông có vẻ khó xử lý tới Nicolas Otamendi và tạo động lực cho Jacob Shaffelburg của Canada dốc hết sức đuổi theo bóng, qua đó “thả tự do” cho Lisandro Martinez. Nhưng canh bạc của Shaffelburg đã thất bại. Otamendi tâng quả bóng qua đầu anh ta, bay đến chân Lisandro và, với việc Shaffelburg đang hoàn toàn bị loại bỏ, Argentina đã có được lợi thế quân số 3 chọi 2 ở cánh trái của họ. Tiếp đó, 2 đường chuyền một chạm từ Lisandro và Giovani lo Celso đã đảm bảo cho Argentina tận dụng được tối đa lợi thế này.
Khi Marcos Acuna dẫn bóng băng qua vạch giữa sân và chuyền nó vào phía trong sân đấu cho Lo Celso, tất cả cầu thủ Argentina đang tham gia vào tình huống tấn công này đều tăng tốc về phía trước – ngoại trừ Lionel Messi.
Anh bước đi rất thong thả – như thể một nhân vật lớn biết rằng máy bay sẽ không thể khởi hành nếu mình chưa có mặt.
Anh điềm tĩnh quan sát các cầu thủ phòng ngự đối phương đang hoảng loạn chạy về bảo vệ khung thành – Richie Laryea đã chạy ngang qua Messi ở phía ngoài sân đấu, khiến anh liếc mắt nhanh sang bên phải mình để cân nhắc tình hình – và vào thời điểm siêu sao 37 tuổi nhận bóng từ Lo Celso, trung lộ của khu trung tuyến bên phần sân Canada đã hoàn toàn trống trải.
Khu vực đó – một khu vực rộng lớn – đã hoàn toàn thuộc về Messi.
Về cơ bản, có thể nói rằng Messi đã chẳng cần phải tốn nhiều sức lực để săn lùng khoảng trống, mà chính sự vội vàng, gấp rút của những người khác – cả đồng đội lẫn đối thủ – đã mang tới rất nhiều khoảng trống cho anh. Theo cách nhìn đó, thì đây chính là một bài học tuyệt vời về “nghệ thuật” của việc đứng im một chỗ để chờ bóng hoặc, trong trường hợp của Messi, thong thả đi bộ.
“Cậu ấy không chạy, nhưng cậu ấy luôn dõi theo mọi thứ diễn ra quanh mình,” Pep Guardiola nhận định trong bộ phim tài liệu This Is Football, ra mắt vào năm 2019. “Cậu ấy có thể đánh hơi được các điểm yếu của hàng thủ đối phương. Sau 5, 10 phút nhập cuộc, một tấm bản đồ sẽ được hình thành trong đôi mắt, trong bộ não của cậu ấy, để qua đó giúp cậu ấy nhận biết chính xác khoảng trống sẽ xuất hiện ở đâu, cũng như hình dung nên bức tranh toàn cảnh của trận đấu.”
Rõ ràng, Canada đã gặp rắc rối lớn ngay từ khoảnh khắc Messi nhận được bóng. Một thiên tài vốn xưa nay chẳng cần nhiều thời gian hoặc không gian để tung ra những đường chuyền tuyệt phẩm, giờ đây lại có cả 2 thứ đó trong tay.
Lautaro thậm chí đã giúp cho nhiệm vụ của Messi càng trở nên dễ dàng hơn nữa bằng một pha di chuyển không bóng chéo sân xuất sắc ngang qua Moise Bombito và thoát ra sau lưng Derek Cornelius, những người đã hoàn toàn bị Messi thu hút sự chú ý, rồi cuối cùng là một cú dứt điểm sắc bén đưa bóng vào lưới.