Thế giới quan bóng đá của Fabian Ruiz: “Bóng đá flashy lòe loẹt không khiến tôi lay động”
Mục lục
Một ngày nọ, cuộc đời của Fabian Ruiz thay đổi hoàn toàn. Song, anh không hề nhận ra. “Lúc ấy, tôi không nghĩ gì nhiều. Phải sau này, khi nhìn lại, tôi mới hiểu được tầm quan trọng của nó.”
Vào ngày 09 tháng 8 năm 2017, thời điểm Barcelona đang muốn chiêu mộ Fabian Ruiz cho đội B, trong trận giao hữu với AC Milan, anh ghi một bàn thắng tuyệt đẹp. “Tôi vừa trải qua quãng thời gian thi đấu dưới dạng cho mượn tại Elche và màn trình diễn trong giai đoạn tiền mùa giải đã mở ra cơ hội mới cho tôi,” anh nhớ lại. Sau đó một năm, nhờ sự thuyết phục của Quique Setien, Fabian quyết định ở lại Betis. Tuy nhiên, cũng chỉ một năm sau, anh chuyển đến Napoli với mức phí chuyển nhượng 30 triệu euro.
Mùa giải trước, Fabian là một trong những trụ cột của PSG dưới thời Luis Enrique. Còn lúc này, anh là người sát cánh hoàn hảo bên cạnh Rodri ở tuyển Tây Ban Nha. Fabian luôn năng nổ trên mọi mặt trận, vừa tham gia mặt trận phòng ngự, vừa là chân ghi bàn hàng đầu của La Roja với 2 bàn thắng tại kỳ Euro này. Bên cạnh đó, Fabian còn là cầu thủ có tổng quãng đường di chuyển trên sân nhiều thứ hai tuyển Tây Ban Nha (58,1km).
Hãy cùng đến với những chia sẻ gai góc đến từ Fabian Ruiz, trong cuộc phỏng vấn của anh với tờ El Pais (Tây Ban Nha).
Anh là kiểu cầu thủ đường phố hay cầu thủ học viện?
Đường phố. Tôi từng dành nhiều thời gian chơi bóng với anh trai mình, người hơn tôi 6 tuổi, trên đường phố. Sự tinh ranh của thứ bóng đá đó luôn đi cùng tôi. Tôi chơi với những hòn đá, giữa các băng ghế… với những đứa trẻ lớn tuổi hơn. Ngày nay, trên đường phố, chúng ta không còn bắt gặp bọn trẻ đá bóng nữa. Và, khi bạn bắt gặp chúng trong các công viên, chúng đang cầm trên tay điện thoại di động. Thật đáng tiếc!
Nếu trên áo đấu của anh là cái tên Fabinho thay vì Fabian, có khi anh phải được định giá 100 triệu euro nhỉ?
Chuyện này có gì mới đâu. Suốt lịch sử đã vậy rồi. Chúng ta đã chứng kiến những cầu thủ Tây Ban Nha như Iniesta hay Xavi, những người nằm trong số những cầu thủ xuất sắc nhất và đã giành được mọi danh hiệu, nhưng họ cũng không được công nhận xứng đáng.
Thế còn Busquets?
Cũng là một trường hợp tương tự, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại ở vị trí của mình. Tôi không biết lý do tại sao. Nhưng việc đánh giá cao các cầu thủ Tây Ban Nha có vẻ khó khăn với nhiều người. Có lẽ đó là do tính cách của người Tây Ban Nha. Chúng ta sống khép kín hơn. Chiến lược marketing của chúng ta cũng không như những cầu thủ ở các quốc gia khác.
Anh có nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ thay đổi với Lamine Yamal và Nico Williams?
Có, một chút. Một phần do phong cách của hai đứa nó nữa, hai nhóc này thu hút sự chú ý nhiều hơn một chút. Tụi nó khác biệt. Ít nhất thì người ta đã bắt đầu nói nhiều hơn về người Tây Ban Nha chúng ta.
Anh thấy thế nào về sự thay đổi trong phong cách lối chơi của tuyển Tây Ban Nha?
Chúng tôi vẫn thích kiểm soát bóng. Điều này có thể thấy rõ trong các trận đấu: chúng tôi luôn chủ động triển khai bóng từ tuyến dưới. Tuy nhiên, khi vào đến 1/3 cuối sân, chúng tôi sẽ tìm cách dứt điểm tình huống. Tóm lại, cần phải tận dụng sự kết hợp giữa những cầu thủ giỏi cầm bóng và những cầu thủ có khả năng tấn công trực diện. Rodri và tôi thiên về kiểm soát bóng, là những cầu thủ ‘pausa’; Nico và Lamine lại sở hữu tốc độ.
Luis de la Fuente đã thay đổi như thế nào kể từ khi anh gặp ông ấy ở U21 Tây Ban Nha?
Ông ấy không thay đổi. Và đó là lợi thế cho chúng tôi. Chúng tôi biết ông ấy thích gì và không thích gì. Điều đó mang lại cho chúng tôi sự yên tâm. Nó cho phép chúng tôi thi đấu thoải mái trên sân. Ông ấy vẫn giữ nguyên ý tưởng và cá tính của mình. Ông ấy gần gũi, giống như một người cha vậy.
Anh thích điều đó chứ?
Vâng, tôi thích. Khi một HLV nói chuyện với bạn, hỏi bạn đã ngủ thế nào, ăn gì… thì còn gì bằng. Ông ấy đối xử với tất cả mọi học trò đều bình đẳng như nhau, dù là những cầu thủ thi đấu hay không thi đấu.
Người đại diện của anh cũng đóng vai trò như một người cha?
Vâng, đúng vậy. Tên ông ấy là Rodolfo Orife, một nửa dòng máu của ông ấy là Argentina. Chúng tôi thường uống trà mate cùng nhau. Ông ấy như một người anh trai, một người cha của tôi vậy.
Còn cha đẻ của anh thì sao?
Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi còn nhỏ và tôi không còn liên lạc với ông ấy nữa. Tôi luôn nói rằng mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Mẹ đã hy sinh rất nhiều để tôi có thể theo đuổi ước mơ của mình. Khi tôi 8 tuổi, lúc đó vẫn chưa biết liệu mình có trở thành cầu thủ bóng đá hay không, mẹ đã luôn ở bên cạnh tôi.
Anh có thường nghĩ về những hy sinh của mẹ không?
Khi còn nhỏ, tôi không nhận ra điều đó. Ít nhất là tôi không nhận ra. Tôi không suy nghĩ hay trân trọng những hy sinh của bà. Tôi nghĩ rằng vì tôi là con trai của mẹ, nên bà có “nghĩa vụ” – tôi đặt trong dấu ngoặc kép – phải làm vậy. Nhưng khi tôi 16 tuổi, khi tôi bắt đầu bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp, tôi tự hỏi: “Mình đã làm gì để có được thành công như ngày hôm nay?” Và đó là lúc tôi nghĩ về tất cả những gì mẹ đã làm cho tôi.
Mẹ anh có còn làm việc ở Real Betis không?
Sau 2 hoặc 3 năm ở Betis, Sevilla đã bày tỏ sự quan tâm đến tôi. Cũng chính lúc đó, cha mẹ tôi ly hôn. Mẹ tôi làm việc đồng áng. Bà không có công việc ổn định. Do đó, Betis đã tin tưởng vào tôi và đề nghị cho mẹ tôi một công việc.
Anh đón nhận chuyện ấy như thế nào?
Lúc đầu, tôi không thường xuyên gặp mẹ ở Betis vì bà làm việc ở Trung tâm Thể thao của đội một. Nhưng khi tôi lên đội một, tôi cảm thấy hơi kỳ lạ. Bởi mẹ tôi đang làm việc ở nơi tôi tập luyện và thay đồ.
Các đồng đội của anh có nói gì không?
Họ cũng nói này kia chút ít. Lúc đấy tôi vẫn là một cậu nhóc rụt rè. Nhưng tôi không thấy việc mẹ mình làm công việc dọn dẹp có gì kỳ lạ hay phải xấu hổ cả, đó là một công việc như bao công việc khác. Điều kỳ lạ là mẹ tôi thường xuyên nói chuyện với các đồng đội của tôi. Nhưng chung quy, tôi luôn cảm thấy tự hào.
Vợ của anh đã giúp anh vượt qua cảm giác rụt rè như thế nào?
Vợ tôi đã giúp tôi rất nhiều, thật sự là vậy. Cô ấy học chuyên ngành tâm lý học. Cô ấy đã làm việc với tôi để giúp tôi cởi mở hơn một chút, để tôi nói ra những gì mình suy nghĩ, để tôi thoải mái bày tỏ cảm xúc của mình. Việc đó không dễ, nhưng cô ấy đang thành công rồi đấy.
Những lời khuyên của cô ấy đã giúp ích cho anh trong cuộc sống hay trong bóng đá nhiều hơn?
Trong mọi khía cạnh. Trước đây, lấy ví dụ, nếu tôi có một buổi tập hay một trận đấu tệ hại thì khi về nhà, tôi sẽ tự nhốt mình trong phòng. Tôi không nói chuyện với ai. Cứ như thể thế giới đã sụp đổ.
Thế cô ấy đã nói gì với anh?
Rằng một khi trận đấu kết thúc, tôi không còn điều gì có thể làm được nữa. Hãy để nó trôi qua. Dù tôi đã chơi tốt hay tệ, trận đấu cũng đã kết thúc rồi. Và khi đã về đến nhà, đó là lúc tận hưởng những điều khác, để bản thân cảm thấy thoải mái, đối tốt với bản thân, vì tôi đã cống hiến hết mình trên sân rồi. Nếu tôi dành cả đêm để suy nghĩ về trận đấu, mọi thứ sẽ còn tệ hơn.
Một người kín đáo và trầm tính như anh thì sống ra sao trong thế giới bóng đá hiện đại đầy tính showbiz này?
Tôi không quan tâm đến thứ bóng đá “flashy” lòe loẹt. Đó không phải là thứ khiến tôi bị lay động. Tôi thích để ánh đèn sân khấu chiếu vào những cầu thủ khác. Và tôi chỉ lo làm những việc thầm lặng, “công nhân”. Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong bóng tối.
Công việc thầm lặng, công nhân là sao?
Trong thế giới bóng đá, chung quy thì những cầu thủ thu hút sự chú ý nhiều nhất là những người có khả năng đấu một-một, những cầu thủ nhanh nhẹn như Lamine hay Nico. Rồi sau đó mới đến những cầu thủ như Rodri, những người đóng vai trò quan trọng trong đội nhưng ít được chú ý hơn.