Hà Lan 3-0 Romania: Ơn giời, “Cơn lốc màu da cam” đây rồi!
Mục lục
Đối đầu đội đầu bảng E là Romania, trái với dự đoán, Hà Lan đã có trận đấu hay nhất kể từ đầu giải khi thể hiện lối chơi tấn công vũ bão trứ danh của “Cơn lốc màu da cam”.
MỘT HÀ LAN HOÀN TOÀN KHÁC SO VỚI VÒNG BẢNG
Dù bước vào Euro 2024 với lực lượng chưa phải là mạnh nhất, khi trong tay HLV Ronald Koeman thiếu vắng những quân bài chủ chốt gồm Frenkie De Jong, Teun Koopmeiners và Marten De Roon, Hà Lan vẫn được đánh giá nằm trong top ƯCV sáng giá cho ngôi vô địch với điểm tựa nằm ở hàng thủ. Trên thực tế, sau 3 lượt trận thuộc bảng D, “Cơn lốc màu da cam” đã đưa CĐV đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ở trận đấu đầu tiên gặp Ba Lan, một chút chệch choạc nơi hàng phòng ngự đã khiến đội tuyển xứ hoa tulip nhận bàn thua từ đối thủ. Ngoài ra, ba mảnh ghép mới mẻ nơi trung tuyến là Tijjani Reijnders, Joey Veerman cùng Jordy Schouten tỏ ra thiếu kết nối khi lần đầu đá chính tại một giải đấu lớn. Hàng công vẫn là điểm yếu chí tử của Hà Lan, khi đội bóng của Koeman không thật sự sở hững một trung phong đẳng cấp và vẫn phải dựa nhiều vào khả xuyên phá của Cody Gakpo.
Trong trận đấu gặp ƯCV vô địch Pháp, “Cơn lốc màu da cam” đã đứng vững trước sức ép đến từ các mũi nhọn hàng đầu châu Âu của Les Bleus. Tuy vậy, sự chắc chắn đó lập tức trở nên mong manh ở trận gặp Áo, khi 2 trong số 3 bàn thua của Hà Lan đều có lỗi của bộ đôi trung vệ Stefan De Vrij và Virgil Van Dijk.
Thất bại trước người Áo đẩy Hà Lan xuống vị trí thứ 3 của bảng đấu và chạm trám đội nhất bảng E là hiện tượng Romania. Với những màn trình diễn thất thường, thật khó để CĐV đội bóng áo cam đặt 100% niềm tin vào đoàn quân của HLV Koeman. Tuy nhiên, 90 phút trên sân Volksparkstadion đã cho chúng ta chứng kiến một Hà Lan rất khác – một cơn lốc như được tích tụ lâu ngày, sẵn sàng cuốn phăng mọi vật cản phía trước.
Xuất phát với sơ đồ 4-3-3 quen thuộc, HLV Koeman đã thực hiện một số thay đổi khi đưa Denzel Dumfries trở lại đội hình chính và trao cơ hội cho Steven Bergwijn bên phía cánh phải. Ở tuyến giữa, Reijnders cùng Schouten tiếp tục đá cặp, chơi ngay sau lưng Xavi Simons. Sau thất bại với thử nghiệm mang tên Lutsharel Geertruida ở vị trí hậu vệ phải, khi dù cầu thủ Feyenoord hoạt động như một inverted fullback, hỗ trợ việc cầm bóng nơi tuyến giữa, song việc tỏ ra quá thiếu chắc chắn ở khía cạnh phòng thủ đã buộc ông Koeman loại anh ra khỏi đội hình xuất phát.
Với Bergwijn và Dumfries cùng xuất phát, Hà Lan đã đi đúng kế hoạch trong việc bóp nghẹt và kiểm soát đối thủ. Trên sân, Bergwijn sẽ hoạt động bó vào half space và thi đấu như một số 10 thứ hai, bên cạnh Simons, từ đó, toàn bộ khoảng không nơi cánh phải sẽ được giao phó cho Dumfries. Sở hữu bộ kỹ năng ban bật và rê dắt bóng ở mức ổn, Bergwijn đã giúp Hà Lan dễ dàng hơn trong việc triển khai tấn công nơi tuyến giữa, điều mà “Cơn lốc màu da cam” bất lực trong 3 trận đấu vòng bảng.
Trong một ngày mọi vị trí của Hà Lan đều chơi tốt đến bất ngờ, thật khó để Romania có thể tìm đường tới khung thành của Bart Verbruggen. Khối pressing của đội bóng áo vàng chỉ duy trì được khoảng 5 phút đầu hiệp 1, trước khi kế hoạch trên trở nên vô tác dụng bởi cả bộ tứ hậu vệ và thủ môn Verbruggen đều có khả năng chơi chân từ mức ổn trở lên. Ngoài ra, trong ngày Reijnders “lên đồng”, các CĐV Hà Lan có lẽ đã nguôi nỗi nhớ Frenkie De Jong phần nào bởi các pha bóng liên kết các tuyến, kéo bóng và đánh chặn, tiền vệ của AC Milan chứng minh bản thân không hề kém cạnh người đàn anh.
Suốt 90 phút, số 14 có 2 pha tắc bóng cùng 2 lần cản phá thành công, tung ra 72 đường chuyền và đặt tỷ lệ thành công 96% – cao nhất đội tuyển Hà Lan. Với Jordy Schouten, người thay thế cho Mats Wieffer phải bỏ lỡ Euro vì chấn thương, Reijnders có cho mình một đối tác ăn ý khi cả hai đều bù trừ cho nhau. Schouten đảm nhận vai trò dọn dẹp, tranh chấp, còn số 14 tỏ ra nguy hiểm trong những pha lướt đi đâm thẳng vào lớp phòng ngự của đối phương.
GAKPO TRÊN CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH ARJEN ROBBEN BÊN CÁNH TRÁI
Tính đến thời điểm hiện tại, một trong những gương mặt chơi nổi bật nhất Hà Lan chính là Cody Gakpo. Dù không có mùa giải thành công trong màu áo của Liverpool khi liên tục gặp phải chấn thương, song tiền đạo 25 tuổi luôn trở thành phiên bản tốt nhất mỗi lần khoác lên màu áo da cam trứ danh. Gakpo trình làng CĐV tại Euro 2020 và chính thức gây ấn tượng sau những màn trình diễn đầy mê hoặc ở World Cup 2 năm về trước.
Sau 4 trận đấu tại Euro 2024, Gakpo đã có cho bản thân 3 bàn thắng, vươn lên top 1 trong cuộc đua vua phá lưới, đồng hạng với Jamal Musiala, Georges Mikautadze và Ivan Schranz. Điểm chung của cả 3 bàn thắng cầu thủ mang áo số 11 ghi được đều là các tình huống anh nhận bóng ở cánh trái, sau đó cut inside và thực hiện các pha dứt điểm cháy phá. Trước đây, Hà Lan cũng từng sở hữu một chân sút với thương hiệu “xi-nhan” rẽ trái trước khi tung pha cứa lòng vào góc chết đá bại thủ môn. Tên cầu thủ ấy là huyền thoại Arjen Robben, và Cody Gakpo đang dần xây nên cho bản thân một phong cách dứt điểm thương hiệu (trademark) tương tự bậc tiền bối.
Dù chỉ chạm bóng 29 lần trong trận đấu ở vòng 1/8 (thấp nhất trong số 11 cầu thủ xuất phát), song bất ký khi nào Gakpo có bóng, cơ hội nguy hiểm đều mở ra với Hà Lan. Suốt thời gian có mặt trên sân, tiền đạo của Liverpool sở hữu 3/4 pha dứt điểm trúng đích, có 3 key pass, thực hiện 2/2 lần qua người thành công và được WhoScored chấm 9.0 điểm – cao nhất trận. Khi được trở về đúng vị trí bên hành lang cánh trái sở trường, với sự hỗ trợ từ Xavi Simons, Gakpo biến thành mũi khoan phá mà bất cứ hàng thủ nào cũng phải e sợ.
Tuy vậy, ở Liverpool, dưới thời Jurgen Klopp, Gakpo lại thường được bố trí cho như một số 9 ảo hoặc một số 8 mang thiên hướng tấn công. Trên thực tế, việc Klopp mang Gakpo về từ đầu nhằm khỏa lấp khoảng trống mà Roberto Firmino để lại. Về vị trí tiền đạo cánh trái, cầu thủ người Hà Lan chưa bao giờ là ưu tiên số 1, bởi trong tay Klopp còn một Luiz Dias có khả năng lên công về thủ nhịp nhàng.
Phát biểu về vị trí sở trường với tờ The New York Times, Gakpo chia sẻ: “Đây là vấn đề khó nói, bởi nó phụ thuộc vào mỗi trận đấu và mỗi đối thủ khác nhau. Tôi thích chơi ở vị trí nơi bản thân có thể nhận nhiều bóng, bắt đầu triển khai từ tuyến giữa đến khu vực tấn công nhằm tạo ra bàn thắng hay kiến tạo. Quan điểm của tôi à? Chỉ đơn giản là chơi bóng thôi. Bạn cần phải thay đổi vài điều liên quan đến chiến thuật khi chơi ở nhiều vai trò, nhưng rồi bạn sẽ quen thôi. Thú thật, nó không khó đến thế đâu”.